TTO – Các khách sạn đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong việc kinh doanh phòng, cho dù một số lãnh đạo nhận thức “đang bị hút máu” một cách kinh khủng.
Hiện nay, nhiều đơn vị bắt đầu tính toán đầu tư nền tảng bán hàng trực tuyến riêng nhưng mọi thứ không dễ.
Ngày càng phụ thuộc lẫn nhau
Majestic là một trong những khách sạn cổ, lâu đời của TP.HCM đón hàng trăm lượt khách mỗi tháng. Giá phòng một đêm ở khách sạn này khoảng 100 USD, cao điểm có thể nhỉnh hơn. Tuy nhiên, hiện nay gần 40% khách đặt phòng ở khách sạn này là qua OTA, 60% qua các kênh còn lại như website của khách sạn, đại lý du lịch…
Với mỗi giao dịch được thực hiện qua OTA, Majestic phải trích khoảng 13% tiền hoa hồng. Đây là mức hoa hồng đàm phán được nhờ khách sạn có tiếng sẵn, lượng khách tốt, chứ thông thường phí phải trả cho môi giới thường cao hơn nhiều, có khi đến 20-25%. Nếu khách sạn bán được trực tiếp cho khách, họ sẽ không phải mất phí này.
Tại khách sạn REX, hiện hơn 35% trong tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, và kênh OTA chiếm hơn 40% doanh số. Các khách sạn 5 sao như Caravelle, Park Hyatt… cũng không nằm ngoài xu thế này. Thậm chí, nhiều khách sạn cho biết tỉ lệ đặt phòng đến từ kênh OTA chiếm 50-60% trong cơ cấu doanh thu và dù muốn hay không họ vẫn đang bị phụ thuộc vào kênh này.
Ông Ngô Minh Đức – chủ tịch Hội đồng thành viên HG Holdings và Gotadi (trang web đặt phòng trực tuyến) – cho biết hiện thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 30-40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đang thống lĩnh thị trường này.
Vì bị phụ thuộc nên có đơn vị phải chịu trả đến 46% hoa hồng cho các đại lý trực tuyến để được xuất hiện trên trang đầu tiên. “Đội tàu Âu Cơ của chúng tôi phải trả đến 46% là chuyện bình thường. Vì ngoài tiền hoa hồng bán phòng, khách sạn phải trả thêm phí quảng cáo để đưa tên xuất hiện ở những vị trí tốt nhất, đứng đầu trong trang OTA” – ông Đức nói.
Theo thống kê về khách sạn Việt Nam 2018 của Grant Thornton, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng số lượng khách sạn phát triển đi cùng công nghệ số. Trong khi kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn giảm 1,6% thì đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng 1,0%, chiếm 21,4%, vượt qua kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn.
Phân tích theo hạng sao, lượng khách ở khách sạn 4 sao đặt phòng qua các công ty lữ hành và nhà điều hành tour tăng đến 43,1%, trong khi khách sạn 5 sao chỉ có 22,7% lượng khách đặt qua kênh này.
Nhiều rủi ro
Đại diện Grant Thornton Việt Nam nhìn nhận các kênh OTA đang hỗ trợ rất tốt hoạt động bán hàng cho các khách sạn, tuy nhiên, nếu doanh số bán hàng qua OTA chiếm 60% tổng doanh số thì khách sạn có thể bị lệ thuộc và gặp rủi ro.
Lúc đó không chỉ là câu chuyện thu phí hoa hồng mà còn là chính sách giá, kỹ thuật… Chỉ cần OTA có vấn đề về kỹ thuật thì xem như việc bán hàng của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng. Ngoài chia hoa hồng, các doanh nghiệp còn dính “bẫy” hàng loạt phí khác mà nền tảng OTA đưa ra.
“Mặc dù chúng tôi cũng tìm cách khuyến khích khách đặt trực tiếp qua website nhưng thực tế khách vẫn thích có giá phòng rẻ hơn so với một số ưu đãi khách sạn đưa ra trong khi khách sạn lại không thể giảm giá để cạnh tranh” – giám đốc kinh doanh một khách sạn 5 sao ở TP.HCM cho biết.
Nhưng với các OTA thì lại khác, họ có thể cung cấp giá phòng rất rẻ nhờ sẵn sàng trả tiền trước để mua một số lượng phòng nhất định trong thời gian dài. Bản thân khách sạn không bao giờ tự phá giá vì một khi giá xuống thì rất khó lên lại.
Nỗ lực giảm phụ thuộc
Một số khách sạn đang nỗ lực hướng khách đến đặt phòng qua cách khác, trong đó ưu tiên đặt trực tiếp trên website của khách sạn. Theo đó, nếu khách đặt trực tiếp qua trang web của khách sạn sẽ nhận được những chương trình khuyến mãi đi kèm như có xe đưa rước ra tận sân bay, tặng voucher thức uống…
Để đối phó, gần đây các khách sạn đã bắt đầu tìm kiếm những kênh phân phối mới, xây dựng trang web của chính mình và đội ngũ bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đức thừa nhận đầu tư vào công nghệ rất tốn tiền, phải vừa làm vừa học, doanh nghiệp lớ ngớ là rất dễ rơi vào bẫy công nghệ mà “học phí” phải trả là rất lớn!
Dù đã có một số doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đầu tư cho công nghệ, triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm, đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn, nhưng cơ sở hạ tầng, nguồn lực, nhân sự… dành cho công nghệ du lịch Việt Nam đều rất thiếu, chưa có giải pháp giải quyết tổng thể cho khách sạn.
“Để đầu tư một website hay xây dựng một nền tảng ứng dụng có thể đặt được phòng không hề đơn giản, khả năng vận hành, ý tưởng, chưa kể còn phải chống đỡ những đợt tấn công bên ngoài. Nhưng đây vẫn là việc phải làm” – ông Đức nói.
Theo ông Lê Đắc Lâm – sáng lập Vntrip.vn, trong “cuộc chiến” với các OTA ngoại, các doanh nghiệp nội địa chỉ còn cách gọi vốn nhiều hơn, đánh mạnh hơn. “Năm ngoái chúng tôi đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD. Một phần của khoản vốn huy động được sẽ dùng để hỗ trợ công nghệ, cho thương vụ M&A” – ông Lâm nói.
Sau nhiều năm, hiện một số công ty du lịch bắt đầu đầu tư các ứng dụng riêng của mình. Trong Ngày hội du lịch TP.HCM gần đây, Vietravel cũng đã ra mắt ứng dụng đặt tour dùng tra cứu thông tin tour tuyến, điểm đến nhanh chóng, tiện lợi bên cạnh tiếp tục phát triển một trang web mới TripU.n hướng đến đối tượng khách du lịch tự túc, cung cấp tất cả các dịch vụ từ vé máy bay, khách sạn, visa… Ưu thế của trang này là sở hữu mạng lưới liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch hàng đầu như Agoda, Expedia…
——————————————
Khách sạn Việt Nam tăng áp dụng công nghệ số
Theo khảo sát của Grant Thornton, thời gian gần đây đang chứng kiến sự gia tăng số lượng khách sạn cho rằng công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh.
Gần 90% các khách sạn cho rằng việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam, điều này cho thấy sẽ có nhiều khách sạn hơn nữa tiếp nhận công nghệ này trong tương lai. Trong năm 2017, tất cả các khách sạn tham gia khảo sát đã ứng dụng một hay nhiều công nghệ số vào hoạt động của họ.
Trong khi việc ứng dụng công nghệ số vào truyền thông và phân tích dữ liệu đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các khách sạn 4 và 5 sao, việc ứng dụng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua điện thoại và làm thủ tục phòng trực tuyến đang dần được áp dụng rộng rãi và ngày một phổ biến tại hơn 50% khách sạn 5 sao và 30-40% khách sạn 4 sao được khảo sát.
* Chị Phạm Huyền Trân (Quận Tân Bình, TP.HCM):
Khách muốn đặt phòng nhanh và thuận tiện
Trong các chuyến du lịch, tùy vào hành trình mà tôi sẽ chọn cách thức đặt phòng cho phù hợp, nhưng vẫn ưu tiên đặt phòng trực tuyến cho dù trong nước hay nước ngoài. Nếu TP định đến có hệ thống phương tiện cá nhân phát triển, thuận lợi, tôi sẽ ưu tiên đặt phòng qua Airbnb, còn nếu phụ thuộc nhiều vào phương tiện công cộng, tôi sẽ lên các trang OTA để chọn địa điểm gần sân ga, trạm xe buýt do Airbnb có giá tốt thường nằm xa trung tâm TP.
Hiện nay, một cá nhân đi du lịch đều lên kế hoạch từ trước cả tháng và các trang OTA cho thấy họ cung cấp rất nhiều lựa chọn để người đi du lịch tham khảo, nhưng dù yếu tố nào thì giá cả hợp lý, rẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Chủ khách sạn kêu “hoa hồng” quá cao
Nhiều khách sạn đang chi phổ biến từ 20-25% chi trả tiền phòng của khách cho các trang đặt phòng trực tuyến. Trong ảnh: Du khách đến thăm Đà Nẵng – Ảnh: VIỆT HÙNG
Một quản lý resort tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hiện resort này phải trả từ 15-18% tiền hoa hồng cho trang web đặt phòng trực tuyến của nước ngoài (trong khi trang web Việt Nam chỉ khoảng 7-8%).
Theo người này, giá hoa hồng như trên là cao nhưng phải sử dụng vì họ là những trang web nổi tiếng trên thế giới, khách sạn cũng bớt được công tiếp thị, quảng bá. “Việc này là không sai nhưng tỉ lệ tính phí của những trang web ấy quá cao. Theo tôi, chỉ 10-12% là mức vừa phải” – vị này nói.
Một chủ resort 5 sao vừa khánh thành ở Vũng Tàu cũng cho biết phải trả cho trang đặt phòng quốc tế 17% hoa hồng và than rằng mức này cao nhưng “không còn sự lựa chọn nào khác”. Theo vị này, những địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đông khách vào ngày lễ, cuối tuần nên đành phải thông qua các trang mạng bán phòng cho ngày thường.
Còn đại diện một khách sạn 3 sao ở Vũng Tàu lại cho biết có trang web đặt phòng trực tuyến còn lấy tiền hoa hồng lên đến 25% nếu chủ khách sạn muốn khách sạn của mình lên vị trí đầu tiên.
Theo tìm hiểu, thủ tục để đăng ký bán phòng trực tuyến với các trang web khá đơn giản. Theo đó, các trang này gửi bản thỏa thuận giữa hai bên, trong đó có quy định về hoa hồng. “Tất nhiên đã tham gia thì họ nắm dao đằng chuôi. Đó là khách chuyển tiền cho họ, họ trừ đi hoa hồng đã thỏa thuận rồi chuyển lại tiền cho khách sạn” – một quản lý resort cho hay.
Một chủ khách sạn ở Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết các OTA giờ khống chế được thị trường đặt phòng nên các khách sạn có khi phải lấy giá bù lỗ để kéo khách, phần lợi nhuận các OTA này được hưởng. Trong khi đó, nhiều lúc bị rủi ro, sự việc này nọ khách sạn phải đứng ra giải quyết chứ OTA không có mặt.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình nhìn nhận đã xuất hiện tình trạng các OTA ép giá các khách sạn, đơn vị cung cấp dịch vụ, lữ hành. Sở đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan tìm hiểu chi tiết hơn để có giải pháp quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp và du khách.
ĐÔNG HÀ – V.HÙNG – Báo Tuổi trẻ
Đã thu thuế nhưng còn vướng
Theo ông Lưu Đức Huy – vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), hoạt động dịch vụ đặt phòng qua các trang web như booking.com, agoda.com, hotels.com… phát triển rất mạnh tại Việt Nam mấy năm gần đây. Do phát sinh thu nhập ở Việt Nam nên các công ty này có nghĩa vụ nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu theo tỉ lệ 5% tổng doanh thu được hưởng.
Trước khi thanh toán cho các website booking, agoda…, khách sạn trong nước phải kê khai, khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài. Trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho nhà thầu nước ngoài, sau đó nhà thầu nước ngoài chuyển tiền phòng cho khách sạn và giữ lại tiền hoa hồng, khách sạn trong nước phải thông báo cho nhà thầu nước ngoài biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế thay nhà thầu.
Trường hợp cơ sở lưu trú và nhà thầu nước ngoài chưa ký hợp đồng, cơ sở lưu trú cũng phải xác định rõ nghĩa vụ thuế của nhà thầu nước ngoài khi ký hợp đồng và có trách nhiệm khai, nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài.
Từ đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo về chính sách thuế, quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh và Cục Thuế tỉnh này cũng đã có những chỉ thị và văn bản hướng dẫn việc thu, quản lý khoản thuế của dịch vụ trên.
Cụ thể, tháng 1-2018, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn nếu có liên kết dịch vụ đặt phòng trực tuyến qua các trang web như: agoda.com, traveloka.com, booking.com, expedia.com… thực hiện kê khai thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định.
Ngày 4-5, một cán bộ Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế – Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sau khi cục thuế có văn bản trên, có nhiều cơ sở lưu trú đã đến hỏi làm thủ tục kê khai, nộp thuế. Kết quả, trong năm 2017, cơ quan này thu được 1,5/1,6 tỉ đồng tiền thuế phải nộp của 18 nhà thầu nước ngoài (tức trang web bán phòng trực tuyến) và trong sáu tháng đầu năm 2018, con số này là 681/742 triệu đồng.
Cũng theo Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu, quá trình thu thuế đối với các trang web bán phòng trực tuyến của nước ngoài đã gặp những khó khăn như: khách hàng mua bán bằng tiền mặt, không qua ngân hàng, khách hàng là cá nhân không lấy hóa đơn.
Ngoài ra, số phòng có khách ở của cơ sở lưu trú chưa tương đương với thực tế, do người nộp thuế đăng ký số phòng chưa trung thực. Ngoài ra còn có những cá nhân kinh doanh nhỏ, thời vụ, hay chủ biệt thự, homestay bán hàng qua mạng nhưng không kê khai cũng như không có chủ sở hữu tại địa điểm kinh doanh. Do đó, việc thu thuế còn hạn chế.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên và thu thuế được của những trang web bán phòng trực tuyến, mới đây ba ngành là thuế, công an và du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp để bàn quy chế phối hợp.
ĐÔNG HÀ – L.THANH – Báo Tuổi Trẻ
- ATM – CÔNG TY TƯ VẤN & QUẢN LÝ ATM
- ATM là viết tắt tên tiếng Anh của Advanced Tourism Management Company được thành lập từ 2006. ATM chuyên cung cấp các dịch vụ:
- Tư vấn đầu tư khách sạn, tư vấn setup khách sạn, tư vấn quản lý khách sạn
- Tư vấn và đầu tư các StartUp đổi mới sáng tạo, ứng dụng 4.0
- Tư vấn Quản trị và Chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên BMC hiệu quả
- Tuyển dụng, đào tạo nghề và nghiệp vụ quản lý khách sạn theo VTOS
- Xây dựng mẫu biểu quản lý vận hành (FORM), quy trình tiêu chuẩn làm việc (SOP)
- Xây dựng Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) trong
- Xây dựng chiến lược kinh doanh & marketing khách sạn trên các trang mạng
- Tư vấn mua bán khách sạn.
- Mọi chi tiết xin liên hệ:
- Hotline: +84 988 558 727; Email: project@atm-asia.com
- Website: http://atm-asia.com/
- Facebook Fanpage: ATMASIACO