Những năm gần đây, kinh doanh khách sạn đang trở thành xu thế, hứa hẹn bội thu. Hàng loạt khách sạn liên tiếp mọc lên. Tạp chí Realtimes (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho hay:
Trong năm 2019, sẽ có hơn 30.000 phòng khách sạn được đưa vào thị trường Việt Nam. Phải! Thị trường khách sạn đang bùng nổ. Thế nhưng đâu phải cứ rót tiền đầu tư là có lãi, có lời.
Câu chuyện tiền cộng ý tưởng đầu tư và…
Tôi gặp nhiều ông chủ đầu tư khách sạn trong vài kịch bản na ná nhau thế này: Họ có tiền, họ thích đầu tư khách sạn. Họ nghe bạn bè nói: “Đầu tư vào Nha Trang tốt lắm”, “Phú Quốc đang rất hot”, hoặc “Bỏ tiền vào Đà Nẵng chỉ có lãi thôi”, v.v…, thế là “OK!” – họ vào đấy mua đất, đầu tư xây khách sạn của mình. Gom đủ vốn mua đất rồi, bạn bè lại “giúp đỡ”: “Ông định xây khách sạn 4 sao à? Tôi có công ty thiết kế. Để tôi thiết kế cho ông”. Thế là ông chủ đầu tư lại “gật đầu”. Bên thiết kế bắt đầu vẽ tất cả những gì ông chủ đầu tư thích: “Ông xem đi, cái này thiết kế ‘độc’ lắm” (Nhưng ngoài kia đầy rẫy! Khéo còn bê nguyên ở đâu đó mang về đưa cho ông bạn yêu quý cũng nên!)
Đến quá trình thi công thì ông chủ giao cho người nhà giám sát. Ông và vợ con tranh thủ thăm thú một số nơi, thấy có gì hay là phải “vác” ngay về cho khách sạn. Hôm nay đi một nơi thấy thiết kế này “Hay lắm!”, liền chụp ảnh gửi về, bảo “Phải sửa ngay!”. Mai sang khách sạn khác thấy “Thiết kế thế này mới hiện đại” lại về lệnh cho quân đập đi, sửa lại. Thế là khách sạn biến thành cái áo vá chằng vá đụp. Đi vay mượn ý tưởng nhiều nơi quá, nên khách sạn không còn nét đặc trưng. Nhiều chỗ thiết kế không có ý nghĩa công năng, các công năng cũng chẳng hỗ trợ được cho nhau nên phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Nỗi đau của thượng đế và khổ chủ… (muốn biết thêm bấm vào ĐÂY)
Khách hàng sử dụng thấy vô cùng phiền toái. Khách thấy phiền toái nhưng rời đi không nói, họ quay sang phàn nàn với những người quen. Tiếng dữ đồn xa, chẳng mấy chốc khách sạn ế ẩm, không có khách đến, nên ông chủ áp dụng chiêu bài giảm giá: Giá thuê khách sạn 3 sao chỉ có 330.000đ/ngày. Chưa hết, muốn kéo khách đến, ông chủ phải trích 30.000đ cho người dẫn khách tới, kèm 2 chai nước suối, 1 li cà phê, 1 bát phở miễn phí. Như thế thử hỏi tiền về khách sạn còn được bao nhiêu?
Lỗ vốn là đương nhiên, nên ông chủ “đành” giật lại từ nhân viên 2/3 tiền thưởng service charge (phí dịch vụ). Nhân viên lúc ấy ở trong hoàn cảnh lương thấp, thưởng chẳng được bao nhiêu, đã thế còn bị “ăn chặn”. Nhiều người bức xúc rồi nghỉ việc. Khách sạn rơi vào cảnh vừa thiếu khách, vừa thiếu nhân viên cống hiến.
Chuyện đầu tư kinh doanh khách sạn của ông chủ Việt Nam cứ luẩn quẩn như thế. Làm ăn thua lỗ quá, trong khi nợ ngân hàng vẫn phải trả đều, thế là vợ chồng căng thẳng cãi nhau. Kết cục, ông chủ rao bán khách sạn để li hôn – chia tài sản. Đấy là câu chuyện kinh doanh, cũng là câu chuyện gia cảnh của nhiều nhà đầu tư tôi từng gặp. Tựu chung lại, họ cũng chỉ nhìn vào lỗ lãi thôi. Nhưng là một nhà đầu tư khách sạn khôn ngoan, bạn sẽ có tầm nhìn khác hơn chứ? Hãy bắt đầu từ câu hỏi đầu tiên: Bạn muốn mang đến cho khách hàng điều gì?
Nội dung bài viết
Bài viết trên được trích từ cuốn sách ĐẦU TƯ & KINH DOANH KHÁCH SẠN HIỆU QUẢ. Sách được viết trên kinh nghiệm thực tế của tác giả Trần Xuân Mới.
Ths. Trần Xuân MỚI
Founder/CEO ATM ( http://atm-asia.com )
Co-Founder SHi ( https://www.youtube.com/watch?v=ad9JDSoxTMI )
Chuyên gia đào tạo và Cố vấn khởi nghiệp ĐMST, Chiến lược Phát triển Doanh nghiệp, Quản trị Doanh nghiệp
Thành viên Ban giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp và tuyển chọn cho Shark Tank Việt Nam
Speaker & Moderator, Techfest Vietnam 2018, 2019 & 2020
Tác giả sách: ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH KHÁCH SẠN HIỆU QUẢ.
Đồng tác giả sách: TRỞ THÀNH THỦ LĨNH BÁN HÀNG: Bán hàng từ tâm – Nâng tầm thương hiệu.
Tham khảo BMC1
Tham khảo BMC2